0905 777 197

Viêm khớp dạng thấp – bệnh lý xương khớp nguy hiểm

Ngày đăng 07-04-2021

Viêm khớp dạng thấp là một trong số các bệnh lý nặng nề nhất trong nhóm bệnh lý về xương khớp hiện nay. Bệnh diễn biến nhanh và nặng nề hơn nếu không được điều trị sớm. Tình trạng viêm tiến triển ở màng hoạt dịch sẽ làm hư hại sụn khớp và phá hủy nhanh vào đầu xương, các khớp sẽ bị thoái hóa thứ phát… Cùng PGS.TS Lê Anh Thư tìm hiểu thêm những điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp. 

1. Viêm khớp dạng thấp là gì? 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, diễn biến mạn tính. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm các khớp nhỏ nhỡ có tính chất đối xứng, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng và thường có mặt của yếu tố dạng thấp trong huyết thanh.

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới 1% người trưởng thành. Chiếm 5% các bệnh Cơ Xương Khớp. Chiếm  10 % các bệnh viêm khớp. Bệnh thường gặp nhiều ở nữ giới tuổi từ 40 đến 60.

2. Nguyên nhân gây VKDT:

Yếu tố cơ địa của người bệnh 

  • Tuổi trung niên, người cao tuổi có sức đề kháng kém, lão hóa.
  • Giới nữ gặp nhiều hơn (tỷ lệ nữ/nam: 2,5/1; nữ chiếm 75%)
  • Người bệnh thường mang gen HLA DR1 hoặc HLA DR4

Yếu tố nguy cơ

  • Thường xuyên tiếp xúc với nước lạnh, phụ nữ sau sinh nở
  • Làm việc trong môi trường ẩm thấp

3. Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp

– Tổn thương chính

  • Viêm bắt đầu từ màng hoạt dịch khớp, sau đó tổn thương sụn khớp, đầu xương, cơ, gân, dây chằng và toàn bộ khớp.
  • Thường gọi là Viêm nhiều (đa) khớp (inflammatory polyarthritis).
  • Các khớp bị tổn thương: Các khớp nhỏ ở ngoại vi, đặc biệt hai bàn tay. Giai đoạn sau sẽ ảnh hưởng tới tất cả các khớp.

– Biểu hiện viêm khớp dạng thấp tại khớp:

       Biểu hiện viêm khớp dạng thấp tại khớp
       Biểu hiện viêm khớp dạng thấp tại khớp
  • Sưng, nóng, đỏ, đau, tràn dịch,kén hoạt dịch, teo cơ, dính khớp, cứng khớp và biến dạng khớp.
  • Cứng khớp: Làm hạn chế sự vận động của các khớp. Dấu hiệu cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Hiện tượng này thường kéo dài trên 1 giờ trước khi cảm thấy các khớp mềm ra.
  • Sưng khớp: Có thể xuất hiện tình trạng tụ dịch nhiều hoặc chỉ sưng phù lên ở vị trí khớp.
  • Vùng da nơi khớp viêm có thể ấm hơn vùng da lân cận.
  • Sắc da vùng khớp viêm có thể có màu đỏ hơn so với vùng da xung quanh.
  • Đau: Hiện tượng viêm làm cho các khớp trở nên nhạy cảm hơn, căng hơn, từ đó gây ra đau các khớp bị viêm.
  • “Nốt thấp”, các hạt thấp này có thể sờ thấy dưới da, thường xuất hiện ở khớp khuỷu, đôi khi rất đau

– Biểu hiện viêm khớp dạng thấp ở toàn thân

  • Mệt mỏi, gầy sút, xanh xao, thiếu máu, trầm cảm.
  • Tăng nguy cơ bị loãng xương, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, loét tiêu hóa…

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Trong giai đoạn đầu, việc chẩn đoán VKDT rất khó khăn. Các thầy thuốc thường phải dựa vào 7 tiêu chuẩn chẩn đoán VKDT

  1. Cứng các khớp và xung quanh khớp kéo dài ít nhất 1 giờ vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
  2. Tự nhiên (không do chấn thương) bị sưng khớp hoặc tụ dịch khớp của ít nhất 3 khớp.
  3. Ít nhất có một khớp nhỏ bị sưng (khớp cổ tay, khớp bàn hoặc khớp ngón tay).
  4. Biểu hiện của viêm các khớp đối xứng trên cơ thể.
  5. Có “nốt thấp”, là các cục sờ thấy dưới da, nằm ở vị trí chịu lực của cơ thể (thường là ở khớp khuỷu).
  6. Chỉ số yếu tố thấp (RF) cao bất thường khi làm xét nghiệm.
  7. Sự thay đổi biến dạng khớp thấy được trên XQuang tại những khớp bị viêm. Đây là yếu tố đặc trưng của giai đoạn muộn trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

Khi có ít nhất 4 trong 7 yếu tố trên, và yếu tố xuất hiện đầu tiên đã lâu trên 6 tuần thì người bệnh được coi là bị bệnh viêm khớp dạng thấp.

5. Hậu quả của viêm khớp dạng thấp

  • Gây đau đớn, teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp
  • Gây tàn phế, tàn tật, thường diễn tiến nhanh, sớm và nặng nề.
  • Giảm nặng chất lượng sống.
  • Người bệnh có thể bị viêm màng phổi, khàn giọng, viêm màng ngoài tim, tắc nghẽn các động mạch…
  • Có khoảng gần 5% số người bệnh VKDT có tổn thương ở mắt như mắt đỏ, đau mắt hoặc khô mắt.

6. Phương pháp điều trị VKDT

– Điều trị không dùng thuốc

  • Giáo dục sức khỏe.
  • Tập luyện, hàng ngày, tránh teo cơ, cứng khớp.
  • Dinh dưỡng hợp lý (giảm cân, tăng cường vitamin và khoáng chất).

– Điều trị triệu chứng

  • Thuốc kháng viêm không steroid: celecoxib, meloxicam, etoricoxib…
  • Hoặc thuốc kháng viêm steroid (methylprednisolone, prednisone.. khi tình trạng viêm nặng.

– Điều trị bệnh

  • Sử dụng sớm và dài hạn các thuốc kinh điển làm thay đổi diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp  (Convention Disease Modifying Anti Rhematic Drugs – cDMARD) để làm chậm tiến trình hư hại sụn khớp và đầu xương của bệnh.
    • Methotrexate điều trị viêm khớp dạng thấp là một trong loại thuốc được sử dụng nhiều nhất.
    • Sulfasalazine
    • Hydroxychloroquine
  • Các thuốc trên có thể dùng đơn trị hoặc kết hợp với nhau
  • Nếu sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém, cần được chỉ định một trong các thuốc sinh học (biology Disease Modifying Anti Rhematic Drugs – bDMARD) dưới đây:
    • Thuốc kháng IL 6 : Tocilizumab
    • Thuốc kháng TNF α (Etanercept, Infliximab, Adalimumab, Golimumab…)
    • Thuốc ức chế TB B : Rituximab

– Các điều trị hỗ trợ khác dành cho VKDT

  • Vật lý trị liệu, Phục hồi chức năng
  • Châm cứu, xoa bóp
  • Giảm và kiểm soát cân nặng….
  • Tập vận động hàng ngày để duy trì và bảo vệ chức năng của khớp
  • Đi bộ (đường bằng phẳng), đạp xe, tập dưới nước, tập yoga, dưỡng sinh…
  • Không ngồi xổm, không mang xách nặng, không làm tăng áp lực lên khớp

– Dinh dưỡng hợp lý:

  • Giảm đường, bột, chất béo, muối
  • Bảo đảm đủ protein
  • Tăng cường vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây tươi, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa)
  • Sử dụng khoa học một số thực phẩm chức năng để hỗ trợ: Glucosamin sulfate, Collagen type II…

7. Phòng bệnh VKDT

  • Chủ động nâng cao sức khỏe chung.
  • Tích cực vận động.
  • Dinh dưỡng hợp lý (giảm chất bột, đường, tăng cường vitamin và khoáng chất).
  • Điều trị các bệnh kèm theo.
  • Khi có dấu hiệu sưng đau khớp, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để đạt hiệu quả cao nhất.
  • Việc dùng thuốc và tái khám không đều, bỏ dở điều trị, ngưng thuốc tùy tiện, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc truyền miệng… là những nguyên nhân làm giảm hoặc mất hiệu quả điều trị.

PGS.TS Lê Anh Thư

Chủ tịch hội loãng xương TPHCM

Phó chủ tịch hội Thấp khớp Việt Nam

Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Chợ Rẫy

Tham khảo: Máy đo loãng xương CM300