0905 777 197

Tai biến sản khoa nguy hiểm có thể gây tử vong – Nhiễm trùng hậu sản

Ngày đăng 25-06-2020

Sinh con là một hành trình vượt cạn của người phụ nữ, với biết bao đau đớn và lo lắng. Bên cạnh niềm mong ngóng được gặp con yêu thì là những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là tai biến sản khoa, một trong số đó là nhiễm trùng hậu sản – nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các sản phụ.

1. Nhiễm trùng hậu sản là gì?

Nhiễm trùng hậu sản là một trong những tai biến sản khoa thường gặp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong người mẹ trong các tai biến sản khoa.

Nhiễm trùng hậu sản là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục xảy ra trong thời kỳ hậu sản, tức 6 tuần lễ sau sinh.

Các hình thái nhiễm trùng hậu sản? Nhiễm trùng hậu sản bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn âm hộ, âm đạo và tầng sinh môn
  • Viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung phần phụ, viêm toàn bộ tử cung, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ.

2. Phân loại các nhiễm trùng hậu sản và phác đồ điều trị

Triệu chứng và phác đồ điều trị nhiễm trùng hậu sản

2.1. Nhiễm khuẩn ở tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung

Triệu chứng:

  • Vết rách hoặc chỗ khâu sưng tấy đỏ đau, đôi khi có mủ
  • Tử cung co hồi tốt, sản dịch có thể hôi hoặc rất hôi
  • Có thể sốt nhẹ 38°C – 38,5°C

Điều trị:

  • Khám âm đạo, loại trừ sót rau
  • Vệ sinh tại chỗ và kháng sinh
  • Nếu sau khi dùng kháng sinh, vết khâu vẫn rỉ nước vàng, sưng đỏ thì cắt chỉ ngắt quãng
  • Nếu toàn bộ vết khâu nhiễm khuẩn, bung hết chỉ thì phải rửa vết thương cho đến khi hoàn toàn không có mủ, nước vàng; mô dưới da phục hồi trở lại mới được khâu lại tầng sinh môn

2.2. Viêm nội mạc tử cung

Triệu chứng:

  • Mệt mỏi, lo lắng
  • Người mẹ sốt từ 38°C đến 39°C, từ 2 ngày sau khi đẻ
  • Tử cung co hồi chậm, mềm, ấn đau
  • Sản dịch hôi đôi khi có lẫn mủ
  • Cận lâm sàng:
  • Huyết đồ, CRP, procalcitonin, TPTNT
  • Soi nhuộm, cấy dịch long TC KSD
  • Siêu âm, X-quang

Điều trị:

  • Hạ sốt bằng khăn ấm hoặc nước uống
  • Dùng kháng sinh thích hợp theo kháng sinh đồ. Trước khi có kết quả kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm: có thể chọn penicillin, cephalosporin, aminosid, metronidazole, macrolid, beta-lactam, quinolon

+ Aminosid với metronidazole kèm hoặc không ampicilin

+ Aminosid phối hợp clindamycin

+ Doxycyclin dùng cho bệnh nhân ngoại trú

  • Nếu bế sản dịch: nong cổ tử cung cho dịch thoát ra ngoài
  • Nếu sót nhau: hút hoặc nạo lấy nhau sau khi cho dùng kháng sinh
  • Sau điều trị các triệu chứng giảm, dùng kháng sinh tiếp 5-7 ngày sau đó xuất viện

2.3. Viêm tử cung toàn bộ:

Triệu chứng:

  • Đây là hình thái lâm sàng tiến triển nặng lên từ viêm nội mạc tử cung, sản dịch rất hôi, màu đen nâu
  • Tử cung to, mềm, ấn rất đau, đôi khi ấn gây tiếng kêu lạo xạo như có hơi đặc biệt có thể ra huyết ngày thứ 9-10

Điều trị

Cần sử dụng kháng sinh liều cao, cần phối hợp nhiều kháng sinh

2.4. Viêm tử cung và phần phụ

Từ tử cung, viêm nhiễm có thể lây lan sang phần phụ: vòi tử cung, buồng trứng…

Triệu chứng

  • Xuất hiện muộn ngày thứ 8-10 sau đẻ
  • Sốt cao, kéo dài kèm đau bụng dưới
  • Tử cung to, co hồi chậm, ấn đau
  • Tiến triển có thể khỏi dần nếu điều trị hữu hiệu và kịp thời
  • Có thể gây biến chứng viêm phúc mạc, hay túi mủ vỡ vào bàng quang, âm đạo, trực tràng

Điều trị

  • Kháng sinh phối hợp liều cao
  • Điều trị phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng

2.5. Viêm phúc mạc tiểu khung

Từ tử cung và các bộ phận lân cận, nhiễm khuẩn có thể lây lan sang phần khác: tiểu khung

Triệu chứng

  • Có thể xuất hiện ngay sau 3 ngày sau đẻ, hoặc chậm hơn ngày thứ 7-10
  • Sốt cao, có thể rét run
  • Đau nhiều ở vùng bụng dưới, ấn bụng có phản ứng ở vùng này
  • Khám âm đạo, thấy tử cung còn to, di động yếu; túi cùng sau đầy phù nề
  • Trường hợp túi mủ nằm ở túi cùng sau, kích thích trực tràng gây hội chứng giả lỵ

Điều trị

  • Kháng sinh phối hợp liều cao
  • Điều trị phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng

2.6. Viêm phúc mạc toàn bộ

Triệu chứng

  • Toàn thân mệt mỏi sốt cao, gầy sút hốc hác, khó thở, mạch nhanh, nôn
  • Bụng đau, chướng
  • Phản ứng thành bụng
  • Cảm ứng phúc mạc
  • Thăm túi cùng rất đau

Điều trị

  • Kháng sinh phối hợp liều cao
  • Nâng thể trạng
  • Cân nhắc việc cắt tử cung dẫn lưu ổ bụng, đây là nơi chứa mủ

2.7. Nhiễm khuẩn huyết

Triệu chứng

  • Thường là sốt cao, rét run nhiều lần trong ngày. Có những thể bán cấp, không sốt cao, nhưng sốt kéo dài
  • Toàn trạng suy nhược có thể dẫn đến choáng, hạ huyết áp, suy gan
  • Cấy máu để chẩn đoán xác định
  • Với các trường hợp nặng ngoài ổ nhiễm khuẩn đầu tiên còn có những ổ nhiễm khuẩn thứ phát: thận, gan, phổi, não…

Điều trị

  • Kháng sinh phối hợp liều cao
  • Truyền dịch, điều chỉnh cân bằng nước, điện giải
  • Giải quyết ổ nhiễm khuẩn nguyên phát: cắt tử cung
  • Tiên lượng rất xấu, vấn đề chính là phòng bệnh

3. Biến chứng nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể kể đến 1 vài biến chứng thường gặp sau:

  • Sẹo
  • Vô sinh
  • Sốc nhiễm trùng
  • Nhiễm khuẩn
  • Tử vong

Để phòng tránh nhiễm trùng hậu sản đối với sản phụ, cần điều trị tích cực những ổ viêm nhiễm trong quá trình mang thai: viêm đường tiết niệu, sinh dục…lưu ý đề phòng nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài. Trong quá trình sinh không để sót nhau thai, tuân thủ các chỉ định kiểm soát tử cung, sau khi sinh phải tránh bế sản dịch, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc vùng kín tầng sinh môn đúng quy định.

DS Nguyễn Thị Ngọc Vui 

Theo Nội khoa Việt Nam