0905 777 197

Những cách giúp trẻ tăng cường sức đề kháng tự nhiên

Ngày đăng 27-06-2019

Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiêm chủng đầy đủ, thực đơn cân bằng, bổ sung lợi khuẩn, hoạt động ngoài trời… giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn, hiện làm việc tại bệnh viện Hoàng gia Worcester (Anh), để phát triển khỏe mạnh, trước tiên con cần có sức đề kháng tốt giúp chống lại nguy cơ nhiễm bệnh từ bên ngoài. Với nhiều năm tư vấn và chăm sóc trẻ, chuyên gia Anh Nguyễn đưa ra một số lời khuyên để “làm mẹ khoa học”.

1. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng cường sức đề kháng:

Sữa mẹ có nhiều kháng thể và vi khuẩn đường ruột có lợi như Bifidobacterium (Bifidus BL), hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh. Lợi khuẩn Bifidus BL được xem là những “anh cả” tiên phong trong việc tái lập môi trường lợi khuẩn. Chúng còn có giữ vai trò hỗ trợ các lợi khuẩn khác trong việc phát triển và tăng cường miễn dịch cho sức khỏe của trẻ. 

Trong đáp ứng miễn dịch, sự kêu gọi các tế bào miễn dịch và thành phần ủng hộ quá trình đáp ứng miễn dịch là một quy trình rất quan trọng nhằm nhận dạng, bắt giữ, tiêu diệt các mầm bệnh. Trong quy trình trên, Bifidus BL giữ vai trò kích thích sự trưởng thành của nhóm tế bào tua – nhóm tế bào giúp quá trình nhận dạng và trình diện mầm bệnh cho các tế bào miễn dịch đến bắt giữ, tiêu diệt.

Bifidus BL cũng liên quan tích cực đến hoạt động của tế bào miễn dịch T – những tế bào có khả năng bắt giữ và tiêu diệt mầm bệnh hiệu quả của cơ thể.

2. Tiêm chủng đầy đủ theo lịch trình:

tang-cuong-suc-de-khang-cho-tre-3

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, trẻ sơ sinh đến 10 tuổi cần được tiêm phòng đầy đủ.

– 0 tháng: Vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh; vắc xin BCG phòng bệnh lao.

– 2 tháng: Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi một (vắc xin 5 trong 1); uống vắc xin bại liệt lần một.

– 3 tháng: Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 2; uống vắc xin bại liệt lần 2.

– 4 tháng: Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3; uống vắc xin bại liệt lần 3.

– 9 tháng: Vắc xin sởi mũi một.

– Từ 12 tháng tuổi trở lên: Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi một, 2 tuần sau mũi một tiêm mũi 2. Tiêm mũi 3 một năm sau mũi 2.

– 18 tháng: Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4; vắc xin sởi – rubella (MR).

– Từ 2 đến 5 tuổi: Vắc xin tả 2 lần uống (vùng nguy cơ cao). Lần 2 uống sau lần một 2 tuần.

– Từ 3 đến 10 tuổi: Vắc xin thương hàn tiêm 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao).

3. Bổ sung lợi khuẩn để tăng cường sức đề kháng:

Trong cơ thể có 100.000 tỷ vi khuẩn, gấp 10 lần số tế bào trong cơ thể. Xét về chủng loại, có hơn 500 loại vi khuẩn sinh sống trong đường ruột. Theo nghiên cứu, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần có 85% lợi khuẩn (probiotics).

Hại khuẩn gây các bệnh hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đầy hơi, ngộ độc, tiêu chảy, táo bón, viêm ruột, trĩ… Còn lợi khuẩn bám vào thành ruột non, cạnh tranh chỗ đứng với hại khuẩn, sản sinh enzyme và protein tiêu diệt chúng. Vì vậy, bổ sung probiotics là cách hiệu quả kiềm chế hại khuẩn, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.

Đường ruột là cơ quan quan trọng nhất của hệ miễn dịch trong cơ thể người, có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Dọc thành ruột có nhiều hạch lympho – nơi đào tạo các tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Lợi khuẩn hỗ trợ gia tăng sản sinh kháng thể IgA, tăng số lượng và chức năng tế bào miễn dịch, tăng tỷ trọng các tế bào miễn dịch Lympho T và tế bào diệt tự nhiên. Ngoài ra, lợi khuẩn còn tạo màng chắn trên bề mặt niêm mạc ruột, ngăn cản vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập.

Các lợi khuẩn như Bifidus BL còn có thể hỗ trợ phòng cảm cúm, tăng hấp thu dinh dưỡng, giảm tác dụng phụ của kháng sinh, hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa, chuyển hóa đường lactose trong sữa.

4. Chế độ ăn cân bằng:

Nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy nhóm trẻ bắt đầu đến lớp mẫu giáo thường có tần suất mắc bệnh viêm nhiễm và phải đến gặp bác sĩ cao hơn 2-3 lần so với các bé chưa đến lớp. Điều này được giải thích là khi bắt đầu vào độ tuổi đến trường (khoảng từ 2 tuổi), trẻ phải tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, vì vậy cũng đồng thời tiếp xúc với nhiều mầm bệnh.

Do đó, ở độ tuổi này trẻ nên được tăng cường và củng cố hệ miễn dịch bằng chế độ ăn cân bằng, đa dạng chất đạm, tăng cường các chất xơ tan và bổ sung các nhóm lợi khuẩn cho đường ruột. Nhóm chất xơ tan được các lợi khuẩn đường ruột sử dụng để tạo năng lượng và tham gia vào các hoạt động giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

tang-cuong-suc-de-khang-cho-tre-1

Các chất xơ tan có nhiều trong rau củ quả như chuối, dâu tây, lê, tỏi tây, hành tím… Mỗi ngày, bữa ăn của trẻ nên có 2-3 loại rau và bổ sung 1-2 loại quả.

5. Tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh để tăng cường sức đề kháng:

Tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh chưa hẳn sẽ bị bệnh. Chỉ khi hệ miễn dịch của trẻ suy yếu thì vi khuẩn mới có cơ hội tấn công và gây bệnh. Đôi lúc, nếu tiếp xúc với vi khuẩn hay tác nhân gây bệnh mà hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh thì sẽ tạo cơ hội tốt để “tập dợt binh lính”.

tang-cuong-suc-de-khang-cho-tre

Do đó, không hẳn ra ngoài chơi, không khí ô nhiễm là bị bệnh như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ. Tiếp xúc với bên ngoài có rất nhiều lợi ích, một trong đó là cơ hội rèn luyện và làm mạnh hệ miễn dịch thông qua việc làm quen với môi trường đa dạng, vận động tích cực và tránh thụ động khi ngồi một chỗ xem TV, ipad. Trẻ cũng có thể thích nghi tốt hơn, tăng tính tự lập.

Đồng thời, những đứa trẻ thường ở nhà chưa hẳn tránh được vi khuẩn. Môi trường trong nhà vẫn tiềm ẩn nhiều vi khuẩn mà còn khiến các em mất đi cơ hội làm mạnh hệ miễn dịch. Ngoài ra, thường xuyên ra ngoài chơi còn hình thành khả năng giao tiếp xã hội, xây dựng lòng tự tin và đánh giá thế giới tự nhiên khách quan hơn cho trẻ.

Hoài Nhơn