0905 777 197

Bệnh sỏi thận: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày đăng 31-03-2020

Bệnh sỏi thận là bệnh gì?


Sỏi thận là gì: Sỏi thận là khoáng chất kết tinh thành dạng viên trong thận hoặc đường tiết niệu. Sỏi thận hình thành khi có quá nhiều khoáng chất trong nước tiểu hoặc lượng nước tiểu quá ít.

soi-than-1

Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu – từ thận đến bàng quang của bạn.

Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh sỏi thận là gì?

  • Đi tiểu liên tục và đau đớn khi tiểu: Sự tăng đột ngột tần suất đi tiểu có thể là dấu hiệu ban đầu của sỏi thận. Nếu bạn cảm thấy đau đớn khi đi tiểu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán ngay.
  • Đau lưng: Dấu hiệu ban đầu đặc trưng nhất của sỏi thận là đau lưng. Cơn đau lưng do sỏi thận thường xuất hiện đột ngột, dữ dội và có thể lan sang phần bụng.
  • Màu và mùi nước tiểu: Sỏi thận có thể gây tổn thương đường tiết niệu, dẫn đến thay đổi màu và mùi nước tiểu. Người bị sỏi thận thường có nước tiểu đục và sẫm màu hơn, đồng thời nước tiểu có mùi nồng và khó chịu.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác:

  • Đi tiểu ra máu: Những người mắc sỏi thận thường có nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu. Khi sỏi thận phát triển to hơn, người bệnh còn có thể thấy có máu lẫn trong nước tiểu.
  • Khó ngồi: Khi sỏi thận phát triển rất to,người mắc sỏi thận thường khó ngồi lâu và thường thích đứng hơn.
  • Sốt và ớn lạnh: Sau một thời gian nằm trong thận, sỏi thận có thể gây sốt và ớn lạnh. Về lâu dài, sỏi thận có thể gây viêm đường tiết niệu và bệnh này cũng gây sốt cao kèm ớn lạnh.
  • Sưng viêm: Các viên sỏi thận to có thể khiến thận sưng phù và đau đớn. Nếu bạn phát hiện dấu hiệu viêm ở khu vực dưới xương sườn hay khu vực bẹn, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn ngay./.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu có những triệu chứng trên. Đặc biệt bạn phải tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay nếu có các triệu chứng như:

  • Cơn đau nghiêm trọng tới mức bạn không thể ngồi im;
  • Cơn đau đi kèm buồn nôn và nôn mửa;
  • Cơn đau đi kèm sốt và ớn lạnh;
  • Nước tiểu có máu;
  • Khó tiểu.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh sỏi thận?

Những viên sỏi có thể hình thành nếu nước tiểu có chứa quá nhiều các hóa chất nhất định, chẳng hạn như canxi, axit uric, cystine hay sỏi struvite (một hỗn hợp của phosphate, magnesium và amoni). Chế độ ăn uống có lượng protein cao và uống quá ít nước có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Khoảng 85% sỏi thận được hình thành từ canxi. Ngoài ra, còn có sỏi axit uric xảy ra thường xuyên hơn nếu có bệnh gút, sỏi struvite hình thành thường xuyên hơn trong nước tiểu bị nhiễm trùng (sỏi nhiễm trùng).

Những ai thường mắc phải bệnh sỏi thận?

Sỏi thận là một bệnh khác phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận, tuy nhiên bệnh thường gặp ở người lớn tầm 40 tuổi trở lên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận?

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này nếu bạn:

  • Có người trong gia đình bị bệnh sỏi thận;
  • Ăn quá nhiều muối hoặc đường;
  • Béo phì;
  • Bệnh hoặc phẫu thuật về đường tiêu hóa chẳng hạn như viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa từ đó ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi và nước của bạn;
  • Mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cystinuria, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một số loại thuốc điều trị nhất định.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sỏi thận?

Các bác sĩ sử dụng bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể cho bạn chụp X-quang hoặc siêu âm bụng. Những xét nghiệm này sẽ phát hiện ra hầu hết các loại sỏi (canxi, cystine và đá sỏi struvite). Tuy nhiên, chụp X-quang không thể thấy sỏi axit uric hoặc những viên sỏi nhỏ. Chụp CT đường tiết niệu là một phương pháp hiệu quả để chẩn đoán sỏi thận và tìm kiếm các rối loạn khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh sỏi thận.

Nếu kết luận vẫn chưa rõ ràng, có thể bác sĩ sẽ làm thêm một xét nghiệm X-quang đặc biệt (pyelogram tĩnh mạch, hoặc IVP). Trong xét nghiệm này, thuốc cản quang được dùng để tái tạo lại hình ảnh đường tiết niệu và tìm sỏi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sỏi thận?

Điều trị bệnh sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như kích thước và số lượng, vị trí của những viên sỏi thận và liệu có xảy ra nhiễm trùng hay không. Hầu hết những viên sỏi thận nhỏ có thể đi tiểu ra tự nhiên mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ.

Cách đơn giản nhất để điều trị những viên sỏi thận nhỏ là uống nhiều nước để cơ thể tự thải ra. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giúp giảm đau và thuốc kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu viên sỏi thận không thể tự thải ra ngoài, bạn phải đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành các phương pháp chữa trị khác bao gồm:

  • Soi niệu quản: các bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ mỏng dài có kính quan sát để tìm sỏi. Công cụ này được đưa vào niệu đạo và bàng quang để đến niệu quản. Sau khi đã tìm thấy sỏi, các bác sĩ có thể gắp bỏ hoặc có thể phá vỡ chúng thành các phần nhỏ hơn bằng laser;
  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL): đây là phương pháp dùng sóng xung kích để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ hơn để có thể thải ra.
  • Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da: nếu viên sỏi thận quá lớn hoặc nằm ở vị trí không thể sử dụng phương pháp ESWL (Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy), bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật để lấy chúng ra.