0905 777 197

Sai lầm mắc phải khi trị nhiệt miệng khiến bệnh lâu khỏi

Ngày đăng 05-05-2023

Nhiệt miệng không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu, đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người đã mắc sai lầm trong điều trị bệnh khiến bệnh lâu khỏi và nhanh tái phát…

Nhiệt miệng là một tình trạng nhiều người mắc phải. Bệnh thường tự phát, có thể tự khỏi, nhưng cũng có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nhiệt miệng thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Thời gian bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Trong đó cách chăm sóc và điều trị có ảnh hưởng nhiều nhất.

Một số sai lầm trong chăm sóc và điều trị nhiệt miệng như:

Quan niệm nhiệt miệng là do nóng trong

Nhiều người cho rằng, nhiệt miệng là do nóng trong. Do đó chỉ cần uống các loại nước mát, thuốc giải độc gan là có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh: Di truyền, lo âu, căng thẳng, suy giảm miễn dịch, thay đổi nội tiết tố, thức ăn, tổn thương niêm mạc miệng (chấn thương, tự cắn hay thực hiện thủ thuật – phẫu thuật nha khoa…).

Việc chỉ uống thuốc giải độc gan hoặc ăn thức ăn giải nhiệt có thể khiến bệnh kéo dài hơn. Thậm chí có thể làm tổn thương do nhiệt miệng lan rộng hơn.

nhiệt miệng
Nhiệt miệng không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu, đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh.

Không điều trị

Nhiệt miệng là vấn đề thường gặp, lành tính nên mọi người xem nhẹ việc điều trị. Sinh tâm lý chịu đựng, chấp nhận “sống chung” với vết loét đau đớn.

Tuy nhiên, nếu không kịp thời điều trị bệnh, không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có khả năng dẫn đến những biến chứng như vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau. Thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm… khiến người bệnh đau đớn, khó khăn và gặp trở ngại trong ăn uống sinh hoạt.

Tự ý dùng kháng sinh

Kháng sinh có thể có tác dụng trong nhiệt miệng. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc nào, liều lượng, cách thức ra sao còn tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh, lứa tuổi, thể trạng…

Không những thế việc sử dụng kháng sinh bừa bãi còn có thể gây tổn thương gan. Gây ra tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh. Do đó, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Không được tự ý dùng kháng sinh

Không có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị nhiệt miệng. Nếu chế độ ăn nhiều đồ cay nóng, chất kích thích, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng… cũng có thể khiến cho tổn thương do nhiệt miệng nặng lên, bệnh lâu khỏi hơn.

Sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc

Có nhiều loại thuốc tại chỗ trong trị nhiệt miệng: Nước súc miệng chứa benzydamine và gel nha khoa salicylate cholinem, thuốc gây tê dạng kem hoặc gel bôi tại chỗ, thuốc corticoid, thuốc sát trùng…

Tuy nhiên, nếu dùng đồng thời các loại thuốc này không những không làm khỏi bệnh nhanh mà còn có thể gây các tương tác thuốc nguy hiểm. Do đó, nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc hợp lý, an toàn.

Bs. Đặng Xuân Thắng


Hotline: 0905.777.197

Website: thietbiytecx.com bosvietnam.com